Chữa mề đay bằng cây đinh lăng bạn đã biết?
Mặc dù là một cây trồng quen thuộc, dễ kiếm nhưng cây đinh lăng có khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đây được xem là một loại thảo dược “bình dân” nhiều tác dụng. Trong đó chữa mề đay bằng cây đinh lăng là một trong những cách dùng khá hay của loại cây này.
Tìm hiểu về cây đinh lăng
1. Đặc điểm của cây đinh lăng
Theo Dược điển Việt Nam, đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms.) là loại dược liệu có họ nhân sâm (Araliaceae) khá phổ biến ở nước ta. Ở nước ta, cây đinh lăng còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cây gỏi cá, cây nam dương sâm. Đây là loại cây được trồng ở nhiều địa phương trên cả nước vì từ lâu đã có tính ứng dụng trong việc chữa bệnh.
Nhìn chung cây đinh lăng khá nhỏ, chiều cao của cây có thể dao động khoảng 1 mét, cây trưởng thành có thể cao khoảng 2 mét. Phần lá của cây đinh lăng thường so le với nhau, lá chét có răng cưa nhọn, lá mọc kép lông chim 2 – 3 lần. Khi đinh lăng ra hoa thường có màu trắng xám hoặc màu lục nhạt, quả có dạng hơi dẹt và màu trắng bạc.
2. Tác dụng của cây đinh lăng
Cây đinh lăng có nhiều tác dụng được Y học cổ truyền ghi nhận. Theo nhiều tài liệu, cây đinh lăng có nhiều bộ phận được sử dụng làm thuốc như rễ, thân, lá. Các bộ phận này có thể được dùng tươi hoặc sấy khô để sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Lá cây đinh lăng có vị đắng, tính mát, thường dùng nhiều để chữa dị ứng, kiết lỵ, giải độc khi dùng thức ăn, giúp chữa tình trạng ho ra máu,… Phần rễ cây đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, thường sử dụng để giúp bồi bổ khí huyết và hỗ trợ thông huyết mạch cho người bị ốm.
Y học hiện đại cũng xác nhận đinh lăng là loại cây có những thành phần hóa học rất quý bao gồm:
- Hàm lượng saponin oleanane cao với 8 loại khác nhau.
- Các vitamin nhóm B thiết yếu cho cơ thể như B1, B2, B6, C.
- Những acid amin khác nhau bổ trợ cho các hoạt động trong cơ thể như lyzin, cystein, methionin.
Khi sử dụng đúng cách, cây đinh lăng có thể đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng như:
- Cải thiện các triệu chứng viêm, sưng trên nền vết thương.
- Lợi tiểu, kích thích đi tiểu.
- Giúp làm dịu thần kinh, giảm đau, cải thiện tình trạng stress.
- Tăng cường thể lực cho cơ thể, giúp giảm mệt mỏi, chống oxy hóa.
- Kích thích các hoạt động của hệ miễn dịch.
Cách chữa mề đay bằng cây đinh lăng
Cây đinh lăng là nguyên liệu khá dễ tìm và sử dụng. Để sử dụng cây đinh lăng chữa mề đay, bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây.
Chuẩn bị:
- Lá đinh lăng khoảng 80 gam.
Thực hiện:
- Rửa sạch lá đinh lăng, để ráo nước, sau đó phơi khô (nếu dùng lá đinh lăng khô thì chỉ cần rửa sạch).
- Lá đinh lăng sau khi phơi khô nấu cùng với khoảng 500 ml nước. Sắc cạn còn khoảng 300 ml nước là được.
- Bạn tắt bếp, để nguội sau đó chia nước lá đinh lăng đã nấu làm 2 phần để sử dụng trong ngày.
- Nên dùng tốt nhất sau các bữa ăn trong ngày để giúp cải thiện dấu hiệu mề đay, mẩn ngứa ngoài da.
Tùy theo tình trạng mề đay mẩn ngứa của bệnh nhân mà hiệu quả khi sử dụng cây đinh lăng có thể nhanh hoặc chậm. Ngoài ra, mức độ đáp ứng khi sử dụng cây đinh lăng chữa mề đay mẩn ngứa cũng tùy thuộc vào cơ địa của từng bệnh nhân.
Lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng
Mặc dù đinh lăng là loại cây có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng việc sử dụng cây đinh lăng cũng cần hiểu rõ và dùng đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý mà bạn cần biết trước khi chọn lựa và sử dụng cây đinh lăng:
- Saponin trong cây đinh lăng tốt cho sức khỏe nhưng có tác dụng phụ là phá vỡ hồng cầu. Do đó không được lạm dụng quá nhiều đinh lăng.
- Khi dùng đinh lăng với liều cao có thể bị say và xuất hiện một số triệu chứng ngộ độc như mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa. Lúc này cần ngưng sử dụng và đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
- Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng đinh lăng.
- Riêng phần rễ đinh lăng, để sử dụng có hiệu quả cần lựa chọn những cây đinh lăng từ 3 – 5 tuổi trở lên để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Trong thời gian bị mề đay mẩn ngứa, bên cạnh việc sử dụng lá đinh lăng cũng cần kiêng các thực phẩm cay nóng, các chất kích thích và một số loại thực phẩm dễ dị ứng.
Đinh lăng là dược liệu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, được sử dụng để chữa nhiều bệnh lý, trong đó có tình trạng mề đay, mẩn ngứa. Hiểu về những tác dụng của đinh lăng và sử dụng đúng cách có thể giúp cải thiện tình trạng khó chịu do mề đay mẩn ngứa gây ra. Hi vọng một số gợi ý trên có thể giúp bạn cải thiện tình trạng mề đay, mẩn ngứa một cách hiệu quả nhất.
Một số vấn đề cần biết khi bị mề đay, mẩn ngứa
Cập nhật lúc 15:24 - 14/08/2018
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!