Bỏ túi 7 lời khuyên để không bị dị ứng trang sức kim loại
Trang sức là phụ kiện không thể thiếu với nhiều người trong cuộc sống. Tuy nhiên, trang sức kim loại cũng tiềm ẩn nguy cơ dị ứng. Là thế nào để sử dụng trang sức kim loại an toàn mà không lo dị ứng?
Không chỉ một số loại trang sức giá rẻ có tỷ lệ dị ứng cao, một số người khi sử dụng những trang sức đắt tiền vẫn có thể gặp phải dị ứng do sử dụng sai cách. Do đó việc hiểu rõ để sử dụng các loại trang sức phù hợp giúp ngăn ngừa dị ứng là đặc biệt quan trọng.
I. Dị ứng trang sức kim loại là gì?
Dị ứng trang sức kim loại về cơ bản là một dạng viêm da dị ứng tiếp xúc xảy ra với yếu tố kim loại có trong các loại trang sức. Người bị dị ứng trang sức kim loại thường gặp phải một số khó chịu ngoài da, đặc biệt là một số triệu chứng như ngứa ngáy, khó chịu, cảm giác khô ngoài da, xuất hiện các dấu hiệu ửng đỏ, mẩn đỏ. Một số trường hợp da còn bị phồng rộp, hăm hoặc đau ngoài da. Đôi khi da còn xỉn màu sau khi tiếp xúc với các trang sức kim loại.
II. Những nguyên nhân gây dị ứng trang sức
Theo thống kê, có 4 nguyên nhân chính có thể gây ra tình trạng dị ứng trang sức, đó là nguyên nhân đến từ cơ địa, phản ứng giữa kim loại với mồ hôi, với không khí và với một số hóa chất khác. Có thể điểm qua như sau:
1. Cơ địa dị ứng
Trong các trang sức kim loại, có một số thành phần có mức độ dị ứng, kích ứng đặc biệt thấp, điển hình là vàng nguyên chất, bạc nguyên chất, thép không gỉ, bạch kim,… Đa số những kim loại này nếu dùng dạng nguyên chất thì hầu như không có dị ứng khi dùng.
Ngược lại, cơ địa của chúng ta thường có tỷ lệ dị ứng khá cao với một số kim loại như niken, crom,… Các kim loại này thường được sử dụng để mạ lên bề mặt của của một số loại trang sức. Ngoài ra, một số loại trang sức cũng có thể được pha cùng với thành phần niken để làm tăng độ cứng cũng như giảm bớt chi phí sản xuất.
Do đó người có cơ địa dị ứng khi dùng các trang sức kim loại có những thành phần trộn thêm vào thường dễ bị dị ứng, phản ứng hơn. Hiện nay, dị ứng crom và niken trong các sản phẩm trang sức cũng như các sản phẩm gia dụng khá phổ biến ở các quốc gia.
2. Kim loại phản ứng với các yếu tố khác
Tình trạng kim loại phản ứng với mồ hôi cũng như một số yếu tố khác như khí H2S trong không khí, phản ứng với một số hóa chất trong sinh hoạt hằng ngày như nước hoa, xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt, các chất khử mùi,… Trong quá trình phản ứng, kim loại có thể để lại một số cặn trên da, gây ra tình trạng ngứa ngáy khó chịu.
III. 7 lời khuyên giúp bạn không bị dị ứng trang sức
1. Chọn lựa kim loại ít dị ứng
Để hạn chế tình trạng dị ứng kim loại, cách tốt nhất là bạn có thể lựa chọn các sản phẩm kim loại có mức độ dị ứng thấp hoặc gần như không dị ứng. Các kim loại này gồm có:
- Vàng nguyên chất 100% (vàng 24 K).
- Bạc nguyên chất 100%.
- Bạch kim nguyên chất 100%.
- Thép không gỉ không chứa sắt, niken và crom.
Đây là những kim loại thuộc nhóm ít kích ứng, dị ứng với mức độ dị ứng rất thấp hoặc gần như không có dị ứng. Tuy nhiên bạn cần chú ý dùng đúng các trang sức kim loại nguyên chất thì mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu dùng các trang sức kim loại có pha như vàng 18 K, vàng 14 K, bạc pha,… thì vẫn có khả năng dị ứng da.
2. Chọn lựa sản phẩm chất lượng
Do vấn đề về giá thành, nhiều đơn vị thường sử dụng các nguyên liệu pha tạp để giữ độ cứng cho trang sức và khiến giá rẻ hơn nhưng lại không ghi rõ các thành phần pha tạp trên sản phẩm hoặc mạ một lớp kim loại nguyên chất lên các sản phẩm hợp kim.
Điều này tạo ra sự lập lờ trong kinh doanh cũng như khiến cho khách hàng không biết trước được những thành phần trong sản phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn trong quá trình sử dụng.
3. Làm sạch trang sức thường xuyên
Đây là biện pháp để giúp bạn tránh được tình trạng nhiễm khuẩn, mẩn ngứa, nổi mề đay do các cặn bẩn từ trang sức bám vào, gây khó chịu cho da. Đặc biệt là các kim loại thường hay tiếp xúc với da và dễ bám mồ hôi, khó chịu trên da như vòng cổ, vòng tay, nhẫn,…
4. Chọn trang sức có độ rộng phù hợp
Lựa chọn những loại trang sức có độ rộng phù hợp là giải pháp để hạn chế tình trạng trang sức hoặc phụ kiện quá chật, khiến da bị bí, khó chịu, dễ ngứa, đổ mồ hôi và mẩn đỏ. Khi lựa chọn một số trang sức áp sát da như nhẫn, vòng tay, vòng cổ,… bạn nên chú ý đến độ rộng của chúng, không nên chọn loại quá chật cũng như quá rộng.
5. Dùng sơn bóng
Đối với nhiều người không có điều kiện để sử dụng các loại trang sức nguyên chất hay lo ngại tình trạng cướp giật nên ưa chuộng dùng các sản phẩm trang sức pha thêm hợp kim. Những trường hợp này có thể dùng sơn bóng để giúp cải thiện ngứa trên da do dị ứng.
Bạn có thể dùng sơn móng tay loại bóng, không màu để phủ một lớp mỏng lên các loại trang sức này. Lớp sơn bóng có tác dụng ngăn da tiếp xúc trực tiếp với những kim loại này, từ đó hạn chế tình trạng dị ứng da khi sử dụng. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý đây chỉ là giải pháp chữa cháy, lớp sơn sau một thời gian sử dụng cũng có thể bong tróc, nên bạn cần chú ý khi áp dụng cách này.
6. Dùng phấn phủ
Tương tự như sử dụng sơn bóng, việc sử dụng phấn phủ cũng là một trong những biện pháp có thể làm giảm ngứa, khó chịu tạm thời. Biện pháp này thích hợp cho những người bị ngứa da khi dùng trang sức do đổ mồ hôi quá nhiều. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn có thể phủ một lớp phấn mỏng lên vùng da thường hay đeo trang sức.
7. Hạn chế thời gian đeo trang sức
Với người có tiền sử bị ngứa ngáy, dị ứng khi đeo trang sức kim loại, ngoài một số biện pháp phòng ngừa nêu trên, bạn cũng cần chú ý hạn chế đeo trang sức trong thời gian dài để ngăn ngừa các dấu hiệu dị ứng bùng phát.
Trên đây là một số thông tin bạn cần biết về vấn đề dị ứng trang sức kim loại cũng như một số biện pháp giúp hạn chế tình trạng dị ứng trang sức. Hi vọng một số mẹo này có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và không còn lo lắng khi dùng trang sức.
Thông tin hữu ích dành cho bạn
XEM THÊM
Cập nhật lúc 10:08 - 03/10/2021
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!