Dị ứng đậu phộng – Nguy hiểm với cả trẻ em và người lớn
Đậu phộng là một trong những thực phẩm có thể gây dị ứng mặc dù được rất nhiều người ưa thích. Mức độ dị ứng đậu phộng có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo cơ địa mỗi người. Trong một số trường hợp có thể đặc biệt nguy hiểm với cả trẻ em và người lớn.
Ở một số quốc gia, dị ứng đậu phộng có tỉ lệ rất cao, thậm chí một số quốc gia còn quy định phải dán nhãn thực phẩm có chứa thành phần đậu phộng và một số loại hạt khác, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu. Thống kê cho thấy cứ 1/20 trẻ nhỏ và 1/50 người lớn gặp phải tình trạng dị ứng đậu phộng tùy theo từng khu vực nhất định.
I. Dị ứng đậu phộng là gì?
Dị ứng đậu phộng (peanut allergy) là một trong những dạng dị ứng phổ biến nhất trên thế giới. Người bị dị ứng đậu phộng khi tiếp xúc với đậu phộng hoặc các loại thực phẩm có nguồn gốc từ đậu phộng có thể dẫn đến tình trạng dị ứng với các phản ứng da, phản ứng hô hấp, phản ứng tiêu hóa hoặc sốc phản vệ tùy theo mức độ quá mẫn của bệnh nhân.
Đa phần những trường hợp dị ứng thực phẩm kéo dài từ thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Chỉ có khoảng 20% những trường hợp dị ứng đậu phộng biến mất khi trẻ đến tuổi trưởng thành, còn lại đa số kéo dài và không khỏi. Ngoài ra, dị ứng đậu phộng cũng có liên hệ với dị ứng các loại hạt (tree nut allergy). Có khoảng 25 – 40% người bị dị ứng đậu phộng thường kèm theo dị ứng các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, quả óc chó,…
II. Vì sao đậu phộng gây dị ứng?
Nguyên nhân dị ứng đậu phộng do hệ miễn dịch trong cơ thể của bệnh nhân nhận biết nhầm các loại protein có trong đậu phộng là những thành phần có hại với cơ thể. Đặc biệt là một số thành phần như Cupin (Ara h 1), Prolamin (Ara h 2, 6, 7, 9), Profilim (Ara h 5) và một số loại protein khác.
Khi tiếp xúc với một hoặc một vài thành phần trong số này, hệ miễn dịch sẽ tiết ra các kháng thể đặc hiệu immunoglobulin E (IgE) chống lại các protein có trong đậu phộng mà cơ thể cho là protein lạ. Đồng thời, hệ miễn dịch cũng bắt đầu tiết ra các histamine dưới da, thúc đẩy các phản ứng dị ứng xảy ra. Đây được xem là một dạng mẫn cảm quá mức của cơ thể đối với một yếu tố nhất định, trong trường hợp này là đậu phộng.
Có 3 dạng tiếp xúc gây dị ứng đậu phộng, gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp: gây ra các phản ứng dị ứng khi ăn vào hoặc chạm trực tiếp vào da
- Tiếp xúc gián tiếp: bệnh nhân không tiếp xúc trực tiếp nhưng trong quá trình chế biến hoặc xử lý thức ăn có thể vô tình tiếp xúc với đậu phộng dẫn đến các phản ứng dị ứng đậu phộng
- Hít phải: trường hợp phản ứng dị ứng đậu phộng do hít phải chủ yếu xảy ra với những sản phẩm bột đậu phộng hoặc dầu ăn đậu phộng
Tiếp xúc trực tiếp với đậu phộng thường gây ra các triệu chứng nặng hơn so với tiếp xúc gián tiếp và hít phải. Tuy nhiên với những trường hợp bệnh nhân quá mẫn với đậu phộng ở mức độ cao thì bất cứ cách tiếp xúc nào cũng có thể dẫn đến tình trạng dị ứng nghiêm trọng và nguy hiểm.
II. Nhận biết dấu hiệu dị ứng đậu phộng như thế nào?
Tùy theo độ nhạy cảm của bệnh nhân mà các phản ứng dị ứng đậu phộng có thể xảy ra trong thời gian từ vài phút đến vài giờ. Khi bệnh nhân dị ứng đậu phộng tiếp xúc với các thành phần trong đậu phộng thì sẽ có một số triệu chứng dị ứng đáng chú ý như:
Phản ứng ngoài da
- Da của bệnh nhân có dấu hiệu mẩn đỏ ngoài da, sưng hoặc phát ban, mề đay
- Xuất hiện cảm giác ngứa ran, khó chịu xung quanh miệng, cổ họng. Một số trường hợp còn có cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng.
Phản ứng tiêu hóa
- Người bệnh có cảm giác bụng sôi, cồn cào
- Bệnh nhân gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
Phản ứng hô hấp
- Người bệnh có các dấu hiệu đau tức ngực, cảm giác thắt chặt ngực gây khó thở
- Có tình trạng ngạt mũi, chảy mũi hoặc tắt mũi
Phản ứng sốc phản vệ
- Bệnh nhân bị tụt huyết áp, nhịp tim, mạch nhanh
- Choáng váng, mất khả năng nhận biết, ngất xỉu
- Có thể kèm theo các phản ứng hô hấp, phản ứng tiêu hóa và phản ứng da khi sốc phản vệ
Tùy theo mức độ quá mẫn của mỗi bệnh nhân mà các triệu chứng dị ứng có thể khác nhau. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng đơn thuần hoặc xuất hiện nhiều dạng phản ứng cùng lúc trong đợt bùng phát.
III. Mức độ nguy hiểm khi dị ứng đậu phộng
Dị ứng đậu phộng có mức độ nguy hiểm rất khác nhau, từ những dấu hiệu nhẹ, không nghiêm trọng đến những dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm. Các phản ứng nếu chỉ là dị ứng ngoài da đơn thuần thì thường nhẹ và sớm khỏi. Nếu dị ứng có kèm theo phản ứng hô hấp, tiêu hóa thì tương đối nặng, có ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe, cần can thiệp sớm.
Riêng với các phản ứng sốc phản vệ do đậu phộng đều là những phản ứng nghiêm trọng và nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đe dọa tính mạng. Những trường hợp này cần được cấp cứu ngay trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ để bảo toàn tính mạng.
IV. Xử lý và điều trị dị ứng đậu phộng
Tùy theo tình trạng dị ứng đậu phộng ở mức độ nào mà các bác sĩ có thể chỉ định những giải pháp riêng biệt để điều trị cho phù hợp. Tốt nhất khi có các triệu chứng dị ứng đậu phộng, đặc biệt là những bệnh nhân dị ứng lần đầu tiên để bác sĩ đánh giá mức độ dị ứng, đề phòng những trường hợp tiến triển thành dị ứng nặng.
Tùy theo tình trạng dị ứng đậu phộng ở mức độ nào mà các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc phù hợp cho bệnh nhân như:
- Thuốc kháng histamine (clorphenamin) tiêm tĩnh mạch cho những trường hợp dị ứng đậu phộng có các phản ứng ngoài da, hô hấp và tiêu hóa. Thuốc giúp giảm bớt lượng histamine tiết ra khi bị dị ứng, từ đó làm cho phản ứng dị ứng giảm bớt và nhẹ nhàng hơn.
- Các thuốc giảm triệu chứng hô hấp, như salbutamol 2,5 – 5 mg
- Thuốc điều trị các triệu chứng ngoài da thuộc nhóm corticosteroid như hydrocortison tiêm tĩnh mạch chậm
- Epinephrin (adrenalin) tiêm vào cơ bắp, được chỉ định điều trị trong các trường hợp sốc phản vệ.
- Truyền dịch tĩnh mạch với dung dịch natri clorid với bệnh nhân dị ứng nặng và sốc phản vệ
- Khôi phục huyết áp và giữ thông đường hô hấp cho bệnh nhân dị ứng nặng và sốc phản vệ bằng mặt nạ oxygen
Tùy theo tình trạng dị ứng mà thời gian can thiệp điều trị cũng khác nhau, với những trường hợp dị ứng nhẹ có thể điều trị bằng thuốc và hồi phục sau một đến vài ngày. Những trường hợp dị ứng nặng có thể được điều trị khoảng một đến vài tuần.
V. Phòng tránh dị ứng đậu phộng
Do dị ứng đậu phộng chỉ bùng phát khi có các hình thức tiếp xúc. Do đó, bên cạnh điều trị thì phòng tránh dị ứng đậu phộng cũng đặc biệt quan trọng. Người bệnh và gia đình nên chú ý đến một số lưu ý sau nếu cơ địa dị ứng với đậu phộng:
1. Đọc thật kỹ nhãn của các loại thực phẩm trước khi mua
Như đã đề cập ở phần đầu, tại một số quốc gia, việc dán nhãn sản phẩm có nguồn gốc từ đậu phộng là bắt buộc. Phần lớn các sản phẩm từ Bắc Mỹ, Châu Âu đều ghi rõ thành phần, trọng lượng và tỷ lệ % các thành phần dễ gây dị ứng như đậu phộng.
Ở một số quốc gia khác, đôi khi không ghi rõ tỉ lệ % nhưng thường đều ghi rõ các thành phần trong sản phẩm. Nếu không chắc chắn, bạn có thể hỏi rõ lại với người bán, người sản xuất để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
2. Cẩn thận với yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình có người bị dị ứng đậu phộng thì bạn nên cẩn thận khi sử dụng thực phẩm này cho trẻ nhỏ bởi rất có thể trẻ cũng dị ứng với đậu phộng. Với người trưởng thành, nếu không xác định rõ có dị ứng với đậu phộng hay không thì tốt nhất nên lựa chọn loại thực phẩm khác hoặc đến bác sĩ để thực hiện phản ứng dị ứng để kiểm tra xem cơ thể dị ứng với yếu tố nào.
3. Thông báo cho những người xung quanh
Thông báo về tình trạng dị ứng đậu phộng rất cần thiết cho người bị dị ứng. Khi một bệnh nhân dị ứng với đậu phộng, cần thông báo cho bạn bè, người thân, gia đình,… đặc biệt là những người thường xuyên chế biến thực phẩm. Với trẻ nhỏ dị ứng đậu phộng cần thông báo cho giáo viên, người trông giữ trẻ.
Việc thông báo giúp họ biết được tình trạng dị ứng, tránh việc cho ăn nhầm những thực phẩm có thành phần đậu phộng. Ngoài ra việc biết rõ về tình trạng dị ứng cũng giúp những người xung quanh có tâm lý chuẩn bị với những tình huống dị ứng nghiêm trọng.
4. Mang theo EpiPen
Với những trường hợp sốc phản vệ do dị ứng đậu phộng, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định mang theo bút EpiPen bên người. Đây là một loại bút có đầu kim tiêm và chứa epinephrine (adrenaline) bên trong. Khi không may bị dị ứng đậu phộng, bệnh nhân có thể mở bút EpiPen và tiêm vào phần đùi, tiêm một lượng epinephrine vào cơ thể để tránh nguy kịch do sốc phản vệ. Sau khi thực hiện xong thì đến bệnh viện ngay.
- Khi dùng bút EpiPen cần tiêm vào đùi, không tiêm vào tĩnh mạch sẽ dẫn đến tử vong.
- Luôn mang theo EpiPen để phòng ngừa sốc phản vệ
- Theo dõi hạn sử dụng của EpiPen và thay bút mới khi hết hạn sử dụng
5. Cẩn thận các món ăn có thể chứa đậu phộng
Một số thức ăn chế biến sẵn, đặc biệt là thức ăn trong các quán ăn, thực phẩm đường phố,… đôi khi không ghi rõ thành phần. Bạn cần đặc biệt cẩn thận với các loại thức ăn này, đặc biệt là một số món như:
- Các loại bánh mì, ngũ cốc, thức ăn nhẹ, kem và tráng miệng có thể kèm theo đậu phộng
- Một số loại hạt trộn, gỏi trộn, salad trộn và một số loại thực phẩm trộn khác
- Chocolate, đặc biệt là chocolate có nhân và một số bánh có nhân khác
- Các loại dầu và nước sốt có thành phần đậu phộng
Dị ứng đậu phộng là một trong những dạng dị ứng thực phẩm có mức độ phổ biến cao với mức độ nguy hiểm tùy theo cơ địa và sự quá mẫn của mỗi người. Hiểu rõ về dị ứng đậu phộng và những cách xử lý phù hợp có thể giúp bạn đối phó tốt hơn nếu không may bị bùng phát các đợt dị ứng. Qua một số thông tin trên, hi vọng bạn đã có thêm những thông tin hữu ích và hướng xử lý phù hợp. Chúc bạn có nhiều sức khỏe.
Những điều cần biết dành cho người bị dị ứng
Cập nhật lúc 10:08 - 03/10/2021
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!