Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tổ đĩa
Bệnh tổ đĩa là một căn bệnh viêm da dạng chàm mạn tính, thường khu trú và tái phát nhiều lần ở lòng bàn tay, bàn chân và các rìa ngón tay bởi các mụn nước ăn sâu và ngứa. Tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tổ đĩa là điều mà bạn nên quan tâm nếu muốn điều trị bệnh đạt kết quả tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh tổ đĩa
Bệnh tổ đĩa có tên khoa học là Dysidrose, được coi là một thể đặc biệt của bệnh chàm, một dạng viêm da mạn tính và hay tái phát. Bệnh tổ đĩa xuất hiện phổ biến ở những người từ 20 đến 40 tuổi, không phân biệt nam nữ với các mụn nước ăn sâu và gây ngứa ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa các ngón tay, ngón chân.
Nguyên nhân gây bệnh tổ đĩa đa dạng và phức tạp, người ta vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân đặc hiệu gây ra căn bệnh này. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, các yếu tố sau đây có liên quan đến sự xuất hiện của bệnh tổ đĩa như:
- Do dị ứng với các hóa chất trong sinh hoạt hàng ngày hay trong công việc như dầu mỡ, bia, rượu vang trắng, phomát, gia vị, xà bông thơm, dầu thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, thuốc kháng sinh, xăng, xi măng, vôi…
- Do bị dị ứng với nấm kẽ chân.
- Do nhiễm khuẩn trong quá trình làm việc hoặc tiếp xúc với đất cát, nguồn nước bẩn…
- Do sự tăng tiết mồ hôi tay chân có liên quan đến rối loạn thần kinh giao cảm hay làm việc trong môi trường nóng bức và ẩm ướt.
Bên cạnh những nguyên nhân trên đây, một số yếu tố dưới đây có thể thúc đẩy bệnh tổ đĩa phát sinh hoặc phát triển nặng hơn:
- Thức ăn: hải sản, thịt gà, thịt bò, trứng, đậu nành, đậu phộng, tinh bột, thức ăn lên men…
- Yếu tố tại chỗ: xà phòng, chất tẩy rửa, dung môi, da đổ mồ hôi nhiều, mang giày dép chật, mặc quần áo chất liệu da,…
- Yếu tố môi trường: lông chó mèo, mạt bụi nhà, phấn hoa, đất bùn, khói thuốc…
- Nhiễm trùng (đặc biệt là tụ cầu vàng).
Bạn cần biết : Cảnh giác với 5 nhân tố gây dị ứng tổ đĩa trong nhà bạn
Nhận biết triệu chứng của bệnh tổ đĩa
Bệnh tổ đĩa được biểu hiện bởi những mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, lòng bạn chân hay ở rìa bên của ngón tay, bàn tay, rìa trên và mặt bên của ngón chân và lòng bàn chân. Cụ thể, bệnh tổ đĩa có triệu chứng sau đây:
Nổi mụn nước là triệu chứng của bệnh tổ đĩa
- Mụn nước có màu trắng trong với kích thước từ 1 – 2mm, nằm sâu và chắc, khó vỡ, thường rải rác hoặc tập trung thành từng chùm nổi gồ trên bề mặt da. Mụn nước cũng có thể tụ thành dạng bóng nước lớn ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Tổn thương do bệnh tổ đĩa thường đối xứng, xuất hiện ở lòng bàn tay, và rìa ngón tay, ở bàn chân thì ít gặp hơn. Bệnh tổ đĩa cũng không bao giờ vượt lên vùng cổ tay và cổ chân.
- Mụn nước tổ đĩa có xu hướng tự xẹp và khô đét chứ không tự vỡ, để lại một điểm dày sừng có màu hơi ngà vàng rồi bong ra, để lộ nền da hồng có hình đa cung hoặc tròn với viền vảy xung quanh.
- Nếu bị nhiễm khuẩn, mụn nước hoặc bóng nước sẽ trở nên đục và sưng đỏ, sưng hạch bạch huyết ở những điểm lân cận và khiến bệnh nhân bị nóng sốt.
- Mụn gây ngứa da, càng gãi càng thấy ngứa, một số trường hợp kèm theo tình trạng tăng tiết mồ hôi. Sau khi kéo dài từ 2-4 tuần thì tự tróc vảy và lành, sau đó lại tái phát theo đợt.
Triệu chứng của bệnh tổ đĩa tiến triển dai dẳng và hay tái phát theo chu kỳ, trở thành bệnh mạn tính và kéo dài trong nhiều tháng năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, cần phát hiện bệnh và điều trị đúng cách ngay từ sớm.
Cập nhật lúc 10:10 - 03/10/2021
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!