Bị nổi mề đay có ra gió được không? có kiêng nước không?
Khi còn tấm bé, mỗi lần bị mề đay, chúng ta thường nghe ông, bà dặn: “Đừng có ra gió, đừng có tắm nghe con” và vô thức thực hiện theo mà không cần truy tìm nguyên nhân. Lời khuyên răn trên có thực sự đúng hay không, bị nổi mề đay có ra gió được không? Có cần phải kiêng đến nước hay không?
Mề đay (mày đay) là một dạng phát ban do dị ứng. Mề đay có thể nổi cục bộ hoặc toàn cơ thể, gây ngứa ngáy, khó chịu. Đông Y cho rằng, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phong hàn. Chính vì chịu sự chi phối của quan điểm trên mà người lớn thường khuyên con trẻ kiêng tắm, kiêng ra gió để tránh bệnh nặng thêm.
Trên thực tế, nguyên nhân gây bệnh mề đay không đơn thuần xuất phát từ nhiễm phong hàn mà còn do nhiều yếu tố khác. Để được giải đáp thắc mắc, những thông tin sau sẽ hữu ích đến bạn.
I. Nguyên nhân gây bệnh mề đay phổ biến
Hiện tượng cơ thể xuất hiện những nốt sẩn đỏ, kèm theo cảm giác ngứa, được gọi là mề đay. Một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến phải kể đến như:
- Dị ứng thời tiết: không khí lạnh, ngày mưa nhiều và ẩm ướt, không khí nóng bức, trời hanh khô và nhiều gió đều có thể làm khởi phát bệnh mề đay.
- Do dị ứng thức ăn: Ăn phải những thực phẩm có khả năng kích ứng, dị ứng như tôm, cua cá, các loại đậu…
- Do thuốc: Một số loại thuốc dễ gây dị ứng như aspirin, penicillin, các loại thuốc ngủ, thuốc an thần,…
- Do tiếp xúc với khói, bụi, côn trùng, phấn hoa, hóa chất…
- Yếu tố khác: Thay đổi nhiệt độ đột ngột, áp lực ma sát do mặc quần áo chật, yếu tố xúc cảm cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nổi mề đay.
II. Bị mề đay có kiêng ra gió, kiêng nước hay không?
Để nhanh chóng thoát khỏi triệu chứng khó chịu, bên cạnh việc áp dụng một số cách chữa bệnh, việc kiêng cử trong sinh hoạt là điều vô cùng cần thiết.
Một trong những nguyên nhân gây mề đay là do nhiễm gió, nước lạnh bắt gặp ở bệnh nhân có cơ địa quá mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết. Khi đó, cơ thể bệnh nhân sẽ nổi mẩn đỏ và ngứa trong vài phút hay vài giờ rồi lặn. Để tránh nổi mề đay trong trường hợp này, điều quan trọng đó là người bệnh cần kiêng gió, kiêng tắm nước lạnh, giữ ấm cơ thể.
Tuy nhiên, không phải cứ hễ bị nổi mề đay là lại kiêng gió. Bởi nguyên nhân gây bệnh mề đay không chỉ do cơ địa dị ứng với thời tiết mà bệnh có thể khởi phát nếu cơ thể dị ứng với các tác nhân: bụi bẩn, côn trùng, hóa chất, rượu bia, lông động vật, phấn hoa. thuốc tây, nhiễm trùng, mặc quần áo bó sát… Đối với những tác nhân gây gây bệnh này, bạn hoàn toàn có thể tiếp xúc với gió hay nước một cách bình thường mà không lo ngại bệnh sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Tóm lại, việc kiêng cử ra gió, ra nước chỉ áp dụng cho người có cơ địa dị ứng với thời tiết. Những trường hợp còn lại không nên quá kiêng cử vì kiêng không đúng cách sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ngoài da, da nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy nghiêm trọng hơn.
III. Cách chăm sóc sức khỏe để mề đay chóng lặn
Hiện vẫn chưa có thuốc trị bệnh mề đay dứt điểm. Để hạn chế triệu chứng phiền toái, khó chịu của bệnh, cách tốt nhất vẫn là áp dụng biện pháp phòng bệnh.
Mề đay là một bệnh lý có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh đang mắc phải, từ đó có biện pháp phòng tránh và chữa trị đúng đắn, bạn cần đến cơ ở y tế để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra để tìm hiểu rõ.
Sau khi xác định được tác nhân gây dị ứng, điều quan trọng nhất là áp dụng biện pháp phòng tránh bệnh bùng phát.
- Nếu bị dị ứng với thời tiết, cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ở nơi có gió lùa, hạn chế tắm với nước lạnh.
- Nếu tác nhân gây nổi mề đay là hải sản, cần loại bỏ những món này ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày.
- Đối với trường hợp bị mề đay do dùng thuốc, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
- Hạn chế tiếp xúc với lông động vật, phấn hoa, chất độc hại, côn trùng. Nên mang theo khẩu trang, đồ bảo hộ trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh.
- Hạn chế gãi khi bị nổi mề đay để tránh tình trạng da bị xước, tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại, tránh tình trạng viêm nhiễm.
- Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe. Hạn chế dùng đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì chúng sẽ khiến cho gan, thận làm việc quá sức để đào thải chất độc, lâu dần suy yếu chức năng, tăng nguy cơ khởi phát bệnh mề đay.
Như vậy, để biết mề đay có cần kiêng gió, kiêng nước hay không, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân là do cơ địa dị ứng với thời tiết thì việc kiêng khem là điều cần thiết. Ngược lại, bạn có thể sinh hoạt bình thường, chỉ cần chú ý tránh xa tác nhân gây dị ứng là được.
XEM THÊM
Cập nhật lúc 16:26 - 30/09/2021
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!