Thuốc trị ngứa da loại nào tốt nhất? [5 nhóm thuốc trị ngứa thường dùng]
Ngứa da là triệu chứng khá thường gặp trong cuộc sống, do nhiều bệnh lý gây ra. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà ngứa da có thể nhẹ hoặc nặng và cần dùng các loại thuốc trị ngứa da khác nhau.
Để giúp bạn đọc hiểu hơn về các loại thuốc trị ngứa da, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp và giới thiệu một số loại thuốc trị ngứa da thường được chỉ định cũng như những lưu ý cần biết khi sử dụng các loại thuốc trị ngứa da.
Thuốc trị ngứa da loại nào tốt nhất?
Các dấu hiệu ngứa da có thể do rất nhiều bệnh gây ra. Do đó để sử dụng thuốc trị ngứa da có hiệu quả cần điều trị đúng nguyên nhân. Hiện nay có 5 nhóm thuốc trị ngứa da thường được chỉ định sử dụng bao gồm:
1. Nhóm thuốc Calamin
Đây là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh ngoài da, có tác dụng chống ngứa nhẹ. Thành phần chính của nhóm thuốc Calamin gồm có hỗn hợp oxid kẽm (ZnO) và oxit sắt (F2O3) 0,5%. Những trường hợp bệnh được chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc Calamin gồm:
- Thương tổn ngoài da do virus như thủy đậu, Zona thần kinh.
- Các bệnh ngoài da cấp tính và mãn tính như bệnh chàm da.
- Các đợt bệnh phát ban cấp tính, mạn tính.
- Điều trị thương tổn ngoài da do tiếp xúc trực tiếp với côn trùng, kích ứng dị ứng với các loại cây dại có độc tố như thường xuân, cây sồi, cây thù du.
- Dùng trong các trường hợp ngứa nhẹ do da cháy nắng, kích ứng.
Nhóm thuốc Calamin tuy là nhóm thuốc điều trị ngứa nhẹ nhưng khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ về liều dùng và thời gian sử dụng để tránh kích ứng da.
2. Nhóm thuốc kháng Histamine
Đây là nhóm thuốc trị ngứa được sử dụng phổ biến trong các trường hợp ngứa tại chỗ, ngứa toàn thân có liên quan đến các yếu tố kích ứng, dị ứng (bao gồm kích ứng tại chỗ và kích ứng dị ứng toàn thân). Tác dụng chính của thuốc kháng Histamine là kìm hãm hoạt động của Histamine và ngăn cơ thể tiết ra thêm Histamine bởi đây là chất thúc đẩy tình trạng ngứa da, thường tăng tiết khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố lạ, gây dị ứng, kích ứng.
Tùy chỉ định của bác sĩ mà bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc kháng histamine đường uống hoặc các loại thuốc bôi ngoài da có thành phần kháng histamine. Một số loại thuốc kháng histamin H1 thế hệ mới thường được chỉ định sử dụng như cetririzin, ebastin, fexoterfenadin, loratadin,…
3. Nhóm thuốc Corticoid uống
Các loại Corticoid dạng uống cũng được sử dụng trong những trường hợp kích ứng, dị ứng ngoài da, tương tự như các thuốc kháng Histamine, giúp cải thiện tình trạng ngứa toàn thân. Những trường hợp được chỉ định dùng thuốc Corticoid dạng uống gồm có:
- Dị ứng kích ứng ngoài da thông thường.
- Chàm và lichen hóa da.
- Một số bệnh khô và bong vảy da gây ngứa.
Những loại corticoid dạng uống thường được sử dụng phổ biến gồm có: betamethason, prednisolon, mehylprednisolon,… Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bệnh nhân có thể được chỉ định loại thuốc phù hợp cho mình. Thông thường các loại corticoid dạng uống thường chỉ dùng duy nhất 1 lần trong ngày.
4. Nhóm thuốc Corticoid dùng ngoài da
Đây là nhóm thuốc dạng kem bôi, thường dùng trong điều trị tại chỗ cho nhiều dạng bệnh ngoài da gây tổn thương tại chỗ, khu trú, diện tích không quá rộng. Nhóm Corticoid dùng ngoài da thường được sử dụng chủ yếu cho những trường hợp như:
- Bệnh nhân viêm da dị ứng.
- Bệnh nhân viêm da do thần kinh (có dấu hiệu lichen phẳng hoặc lichen đơn mạn tính).
- Điều trị các dạng chàm da bao gồm chàm đồng xu, viêm da dạng chàm, chàm ở tay, chân.
- Sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh tổ đỉa.
- Cải thiện tình trạng ngứa ở bệnh nhân viêm da tăng tiết bã nhờn ở đầu.
- Thương tổn ngoài da có vảy cá.
- Vảy nến bùng phát tại chỗ.
5. Nhóm thuốc Crotamiton
Crotamiton là nhóm thuốc sử dụng để chữa ngứa ngoài da trong những trường hợp nhiễm khuẩn, ký sinh trùng. Phần lớn những trường hợp thường được chỉ định điều trị bằng Crotamiton gồm có:
- Bệnh nhân ghẻ ngoài da gây ngứa.
- Bệnh nhân nhiễm liên cầu, tụ cầu khuẩn.
- Chữa ngứa cho những bệnh nhân bội nhiễm có mủ do vi khuẩn và ký sinh trùng.
Nhóm thuốc Crotamiton có dạng cream, sử dụng chủ yếu bằng cách bôi ngoài da. Thuốc có hiệu quả chống ngứa nhanh, có hiệu quả trong vòng 6 giờ sau khi sử dụng. Thuốc có thể thẩm thấu tốt khi thoa nhẹ trên da, không chứ mỡ trong thành phần nên không để lại vết bẩn khi sử dụng cho bệnh nhân.
Tuy nhiên khi sử dụng nhóm thuốc Crotamiton cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng và thời gian sử dụng. Đặc biệt, nhóm thuốc này thường chống chỉ định với những nhóm bệnh nhân như:
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Không bôi lên mắt, không để dính vào mắt.
- Không sử dụng Crotamiton dạng kem trong những trường hợp bệnh da cấp tính có tiết dịch.
- Không sử dụng trên vết thương hở.
Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc trị ngứa
Tùy theo từng loại thuốc mà sẽ có những tác dụng phụ riêng biệt khi sử dụng. Những tác dụng phụ thường gặp nhất là gây ra cảm giác nóng ngứa ngoài da, gây kích ứng da và khô da, gây viêm nang lông cũng như phát ban. Một số trường hợp có thể làm giảm sắc tố da.
Sử dụng thuốc quá liều nhất là thuốc bôi cũng có thể gây ra tác dụng ngược như làm cho viêm nhiễm, tổn thương da nặng hơn. Do đó khi dùng các loại thuốc trị ngứa do các bệnh ngoài da không được dùng tùy tiện mà phải có chỉ định cụ thể từ bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Trên đây là một số thông tin cần biết về các loại thuốc trị ngứa da, những lưu ý trong sử dụng để đạt hiệu quả cao, tránh tác dụng phụ không mong muốn. Bạn cũng cần chú ý khi có các dấu hiệu ngứa ngoài da cần thăm khám sớm để bác sĩ xác định nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp nhất.
Những vấn đề bạn cần biết về tình trạng ngứa da
Cập nhật lúc 10:12 - 03/10/2021
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!