Nhận biết và cách xử lý khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng
Viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng thường gặp vào những mùa mưa lũ. Bệnh không chỉ khiến người bệnh khó chịu mà còn làm tổn thương da và có thể lan thành dịch bất cứ lúc nào. Dưới đây là cách nhận biết và cách xử lý khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng mà bạn nên tìm hiểu để phòng khi cần đến.
Nhận biết viêm da tiếp xúc do côn trùng
Viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng viêm da cấp tính do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của côn trùng. Những côn trùng gây viêm da tiếp xúc thường là bướm, giời, bù mắt, sâu ban miêu, rết, kiến ba khoang… Vào những mùa mưa lũ, côn trùng thường theo ánh đèn bay vào nhà và bám vào quần áo, khăn mền hay rơi vào cơ thể người. Người bệnh đưa tay đập chết côn trùng và vô tình quẹt chất có trong côn trùng lên da dẫn đến tổn thương da.
Biểu hiện khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng là đau, hơi ngứa rát và nóng đỏ da ở một vùng da có tiếp xúc với chất tiết của côn trùng. Sau khoảng 6-12 giờ, vùng da này xuất hiện các đám vết màu đỏ, hơi nề, cộm với mụn nước to nhỏ không đều cỡ 1-5cm. Khoảng 1-3 ngày sau, tổn thương tiến triển thành phỏng nước, phỏng mủ gây đau nhiều hơn. Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ, mệt mỏi, khó chịu, nổi hạch ở vùng cổ, nách, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân,… tổn thương đối xứng qua nếp gấp. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể gây sưng húp cả hai mắt khoảng 1 tuần mới khỏi. Nếu tổn thương ở bẹn thì hạch làm sưng đau và khó đi lại. Phỏng mủ tiến triển từ 4-5 ngày sẽ đóng vẩy tiết khô dần rồi rụng để lại vết sẫm màu trên da.
BẠN NÊN ĐỌC THÊM:
Cách xử lý khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng
Thông thường, các mụn mủ ở vùng da tổn thương do tiếp xúc với côn trùng tiến triển từ 5 -7 ngày sẽ đóng vảy tiết và khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, tổn thương có thể kéo dài từ 1-3 tuần và có nguy cơ bội nhiễm. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, người bệnh cần xử lý như sau:
– Rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng diệt khuẩn.
– Thoa hồ nước để làm mát và làm dịu vùng da bị tổn thương.
– Nếu bị nổi mụn nước và phòng nước, có thể dùng hồ nước, đắp dung dịch jarish giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương.
– Nếu cảm thấy ngứa da nhiều, khó chịu thì dùng cezil hay chlorpheniramine.
– Khi đã xuất hiện mụn mủ thì thoa dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani, eosine lên vết thương để sát khuẩn, làm khô tổn thương. Riêng trẻ em thì không dùng castellani sẽ khiến trẻ bị đau rát khi bôi.
– Nếu tổn thương không còn chảy dịch, vết thương đã khô thì dùng mỡ kháng sinh, bôi kèm corticoid loại nhẹ và vừa (fucidin-H, fucicort) để vết thương nhanh lành.
CÓ THỂ BẠN MUỐN BIẾT:
Sau khi các sang thương viêm da tiếp xúc do côn trùng bong vảy và để lại vết sẹo thâm đen thì ít nhất từ 1-2 tháng sau, các vết thâm này mới từ từ phai mờ dần rồi sẽ mất hẳn. Trong quá trình điều trị, người bệnh không được cào gãi, chà xát vùng da bị tổn thương để tránh gây bội nhiễm và để lại sẹo xấu khó hồi phục nhé.
Cập nhật lúc 10:10 - 03/10/2021
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!