Nổi mề đay khi ăn hải sản phải làm sao? [Nhận diện và xử lý nhanh]
Nổi mề đay khi ăn hải sản rất thường gặp ở nước ta, đặc biệt là vào các tháng hè. Không ít bạn đọc cũng gửi những thắc mắc về cho chuyên mục để tìm hiểu về vấn đề này. Chủ đề ngày hôm nay sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích để xử trí nếu không may bị nổi mề đay khi ăn hải sản.
Thắc mắc của bạn đọc: “Chào anh/chị biên tập, cháu nhà tôi 3 tuổi, hôm qua nhà tôi có đi du lịch biển và dùng đồ hải sản. Cả nhà tôi dùng thì không sao, nhưng riêng cháu bị nổi mề đay khi ăn hải sản, cụ thể là thịt tôm. Da cháu bị nổi mảng mề đay và ngứa, đêm cháu quấy khóc và không ngủ được, gãi nhiều, ngoài ra cháu không có triệu chứng nào khác. Xin hỏi vậy cháu nhà tôi bao lâu thì khỏi, trường hợp nổi mề đay khi ăn hải sản phải làm sao? Mong nhận được phản hồi sớm, tôi rất cảm ơn.” (Q.Hùng, Hải Phòng)
Chào anh Hùng!
Theo như thư của anh gửi đến ban biên tập thì đây là tình trạng dị ứng hải sản. Đa phần người có cơ địa dị ứng hải sản thường có một số phản ứng như ngứa ngáy, nổi mề đay khi ăn hải sản. Tình trạng này không hiếm gặp ở nước ta với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng do có tỉ lệ tiêu thụ hải sản cao. Tuy đa số trường hợp nổi mề đay khi ăn hải sản không nguy hiểm nhưng cũng cần xử lý đúng khi gặp phải tình trạng này.
Nổi mề đay khi ăn hải sản phải làm sao? – Giải đáp
1. Nhận diện mức độ dị ứng, nổi mề đay
Nổi mề đay khi ăn hải sản có thể xảy ra khi sử dụng một số loại hải sản có khả năng gây dị ứng như: tôm, cua, cá biển, một số loại mực, sò, ốc,… Ở người có cơ địa dị ứng hải sản, các dấu hiệu sẽ bùng phát từ vài phút đến vài giờ, thường là khá nhanh. Thường có ba mức độ từ nhẹ, nặng, sốc phản vệ.
Việc nhận diện các mức độ dị ứng rất quan trọng vì giúp đưa ra các hướng xử lý phù hợp. Trong những trường hợp dị ứng hải sản, người thân cần theo dõi một số triệu chứng để nhận biết:
- Dị ứng hải sản nhẹ, thường chỉ có các dấu hiệu ngứa ngoài da, nổi mề đay khi ăn hải sản. Người bệnh gặp khó chịu khoảng vài giờ sẽ lặn, đôi khi kéo dài khoảng 1 ngày đến vài ngày, chia thành nhiều đợt nhỏ. Mề đay có thể bùng thành từng vùng nhất định trên da hoặc lan ra khắp người
- Với những trường hợp dị ứng nặng, bên cạnh các dấu hiệu ngoài da, người bị dị ứng còn có dấu hiệu sưng, phù nề ở một số vị trí trên da như mặt, tay chân, cổ, kèm theo khó thở, nôn quặng bụng, khó chịu, tiêu chảy, nôn mửa,…
- Nặng nhất là biến chứng sốc phản vệ, ngoài các dấu hiệu như dị ứng nặng còn kèm theo các rối loạn về huyết áp, mạch máu,… bệnh nhân mất ý thức, ngất xỉu.
Nếu dị ứng ở mức độ nặng, sốc phản vệ thì cần cấp cứu ngay, không nên cố gắng tự xử lý ở nhà sẽ nguy hiểm đến tính mạng, dễ gặp phải những biến chứng không mong muốn. Riêng những trường hợp dị ứng hải sản nhẹ thì có thể tự khỏi khi hết đợt dị ứng, có thể áp dụng một số biện pháp giảm triệu chứng khó chịu.
2. Xử lý nhanh dị ứng hải sản nổi mề đay
Với những trường hợp mề đay do dị ứng hải sản nhẹ, để giảm khó chịu, có thể thực hiện một số biện pháp xử lí nhanh khi mới bùng phát triệu chứng. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đông Y Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108), khi bùng phát các dấu hiệu dị ứng mức độ nhẹ như nổi mề đay khi ăn hải sản, có thể áp dụng một số biện pháp:
Uống nhiều nước:
Cách này có thể giúp giảm bớt tình trạng ngứa ngáy, mề đay cho bệnh nhân dị ứng nhẹ. Nước có thể giúp trung hòa được các yếu tố kích ứng trong cơ thể. Khi bắt đầu có dấu hiệu ngứa sau khi ăn hải sản, có thể uống vài ly nước để giảm ngứa.
Dùng nước cam, chanh, trà gừng:
Theo kinh nghiệm dân gian, với những trường hợp dị ứng nhẹ với các phản ứng ngoài da như ngứa ngáy, nổi mề đay sau khi ăn hải sản, có thể áp dùng một số nguyên liệu tự nhiên có sẵn ở nhà để sử dụng như nước cam, nước chanh, trà gừng.
Đây là những nguyên liệu tự nhiên khá phổ biến, thường có sẵn ở nhiều gia đình, khi sử dụng có thể giúp cung cấp một lượng nước nhất định cho cơ thể, từ đó giảm các phản ứng khó chịu, dị ứng, ngứa ngáy. Đồng thời các loại nước này cũng giúp bệnh nhân quên đi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Dùng thuốc chống dị ứng
Các thuốc chống dị ứng, thuốc kháng histamine có ưu điểm là tác dụng nhanh, có thể giúp giảm nhanh những dấu hiệu khó chịu do dị ứng, kích ứng gây ra như ngứa ngáy, nổi mề đay khi ăn hải sản. Tuy nhiên khi sử dụng các loại thuốc chống dị ứng cần có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Lời khuyên cho người bị nổi mề đay sau khi ăn hải sản
Ở người đã có cơ địa dị ứng thì việc tái phát tình trạng ngứa ngáy, dị ứng rất thường xuyên xảy ra. Để phòng tránh tái phát tình trạng nổi mề đay do hải sản, tốt nhất bạn nên tuân thủ một số lưu ý sau:
- Khi đang bị ngứa, mề đay cần chú ý tránh vệ sinh cơ thể, tắm bằng nước nóng vì nhiệt độ cao sẽ khiến tình trạng ngứa ngáy kéo dài cũng như làm vùng da bị mề đay lan rộng. Tốt nhất nên dùng nước mát
- Không sử dụng rượu bia, thức uống có cồn khi đã bị ngứa, mề đay vì có thể khiến đợt ngứa dai dẳng hơn, đồng thời dễ gây ra nhiều rối loạn khác
- Kiêng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản, đặc biệt là trong các món ăn có nhiều thành phần như món trộn, món thập cẩm,…
- Nếu không may bị dị ứng, nổi mề đay khi ăn hải sản thì cần hạn chế gãi vì sẽ khiến cho tình trạng da trở nên khó chịu hơn
Tình trạng nổi mề đay khi ăn hải sản không hiếm gặp ở nước ta với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Khi có dấu hiệu bùng phát mề đay, bạn cần bình tĩnh và xử lý đúng cách để tránh những ảnh hưởng khó chịu do tình trạng mề đay gây ra. Hi vọng hướng dẫn trên đây có thể giúp bạn đọc cải thiện đúng cách tình trạng này. Chúc bạn có nhiều sức khỏe.
Hiểu thêm về mề đay mẩn ngứa
XEM THÊM
Cập nhật lúc 22:14 - 12/03/2020
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!