Dị ứng là gì và các thông tin cần biết về dị ứng

Dị ứng là một trong những hiện trạng bệnh lý phức tạp diễn ra phổ biến. Nó thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với các tác nhân lạ, đôi khi là vô hại từ môi trường.

Bệnh dị ứng là gì? Nguyên nhân do đâu? Làm sao để khắc phục? Bài viết dưới đây sẽ trang bị cho bạn những thông tin cần thiết về căn bệnh này.

dị ứng là gì
Dị ứng là hiện tượng thường gặp xuất hiện khi hệ miễn dịch phản ứng tái quá với chất lạ từ môi trường

Dị ứng là gì?

Dị ứng là phản ứng thái quá phổ biến của hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với một số tác nhân bên ngoài. Khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, cơ thể thường sẽ không có phản ứng ngay lập tức. Trước khi xảy ra phản ứng thái quá, hệ miễn dịch thường sẽ xây dựng sự nhạy cảm với chất gây dị ứng.

Hệ thống miễn dịch luôn cần thời gian để nhận biết cũng như ghi nhớ chất gây dị ứng. Sau đó hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh các kháng thể để tấn công chất gây dị ứng và tạo ra các phản ứng. Những phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch thường kèm theo rất nhiều triệu chứng, điển hình như phát ban, ngứa, sổ mũi, khó thở…

Nguyên nhân gây bệnh dị ứng

Khi cơ thể tiếp xúc với các chất lạ, kháng thể IgE sẽ được giải phóng để chống lại các tác nhân gây dị ứng. Đồng thời, kháng thể đặc biệt này cũng kích thích cơ thể sản xuất các chất làm phát sinh phản ứng dị ứng.

Cơ thể giải phóng IgE càng nhiều thì lượng Histamine được tạo ra càng tăng lên. Histamine có thể khiến các cơ trong đường thở và thành mạch máu bị thắt chặt. Bên cạnh đó, nó cũng là tác nhân khiến niêm mạc mũi sản xuất nhiều dịch nhầy hơn.

Sau đây là một số tác nhân gây dị ứng thường gặp:

  • Các loại thực phẩm: Trứng, cá, đậu phộng, động vật có vỏ, sữa, lúa mì…
  • Mạt bụi, lông thú, len, phấn hoa…
  • Một số loại thuốc: Ulfonamid, Salicylates hay Pencillin
  • Côn trùng cắn: Ong, muỗi, kiến lửa, bọ chét…
  • Động vật trung gian: Gián, chuột, bướm đêm, rầy…
  • Mủ cao su
  • Một số kim loại: Crom, kẽm, niken…
nguyên nhân gây dị ứng
Trứng, cá, đậu phộng… là những thực phẩm rất dễ gây dị ứng

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân khiến phản ứng dị ứng dễ phát sinh hơn:

  • Người thân trong gia đình có tiền sử dị ứng: Dị ứng có thể do yếu tố di truyền. Nhất là khi bố mẹ bị dị ứng thì con có nguy cơ cao gặp phải căn bệnh này.
  • Trẻ em: Thống kê cho thấy, trẻ em dễ bị dị ứng hơn người lớn. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng có thể sẽ giảm dần khi bé lớn lên.
  • Bị hen suyễn: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ở bệnh nhân hen suyễn khi tiếp xúc với các chất lạ, hệ miễn dịch sẽ có xu hướng giải phóng IgE nhiều hơn. Từ đó, khiến các phản ứng dị ứng có nguy cơ cao bị kích hoạt.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh dị ứng

Các triệu chứng dị ứng thường biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào tác nhân gây dị ứng. Người bệnh sẽ có thể gặp phải các vấn đề về đường thở, đường mũi, da cũng như hệ tiêu hóa.

Mức độ nặng nhẹ của triệu chứng phù thuộc vào phản ứng mà hệ miễn dịch tạo ra. Ở không ít trường hợp, dị ứng có thể còn kích hoạt phản ứng sốc phản vệ, đe dọa cả tính mạng.

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với các chất có trong thực phẩm mà bạn dung nạp vào cơ thể. Bạn có thể sẽ gặp phải một số triệu chứng như:

  • Nôn
  • Cảm giác ngứa ran trong miệng
  • Chảy máu trực tràng (thường gặp ở trẻ em)
  • Tiêu chảy
  • Sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng
  • Co thắt dạ dày

Viêm mũi dị ứng

Thường được kích hoạt khi cơ thể tiếp xúc với một số tác nhân như mạt bụi, lông thú, phấn hoa, thời tiết lạnh… Một số triệu chứng thường gặp là:

  • Hắt xì
  • Nghẹt mũi
  • Chảy nước mũi
  • Chảy nước mắt
  • Ngứa mũi, mắt hay vòm miệng
bệnh dị ứng
Hắt hơi, chảy nước mũi là triệu chứng khó tránh khỏi khi bạn bị viêm mũi dị ứng

Dị ứng thuốc

Hệ miễn dịch của bạn có thể sẽ phản ứng với một số thành phần có trong các loại thuốc, điển hình như Ulfonamid, Salicylates hay Pencillin. Lúc này, các triệu chứng dưới đây có thể sẽ khởi phát.

  • Ngứa da
  • Phát ban
  • Khò khè
  • Sưng mặt
  • Sốc phản vệ

Dị ứng côn trùng đốt

Thường kèm theo các triệu chứng như:

  • Sưng phù một vùng rộng ngay tại vị trí bị chích
  • Nổi mề đay mẩn ngứa khắp cơ thể
  • Ho, tức ngực
  • Khó thở, thở khò khè

Dị ứng trên da

Thường bị kích hoạt khi da của bạn tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây dị ứng. Tùy thuộc vào biểu hiện bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau:

  • Viêm da dị ứng: Da thường bị khô và ngứa, đôi khi còn chảy dịch…
  • Viêm da tiếp xúc: Da có dấu hiệu đỏ lên và ngứa ngáy ngay sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
  • Phát ban: Ngứa, đau, những khu vực chịu ảnh hưởng có thể đỏ và sưng lên.

Sốc phản vệ – phản ứng nguy hiểm của dị ứng

Sốc phản vệ là phản ứng rất nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng nếu không nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời. Sau đây là những triệu chứng sốc phản vệ bạn cần hết sức lưu ý:

  • Huyết áp giảm
  • Mất ý thức
  • Khó thở nặng
  • Rối loạn nhịp tim
  • Phát ban gia
  • Buồn nôn, ói mửa

Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên, cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bệnh dị ứng được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh dị ứng, trước hết bác sĩ sẽ hỏi người bệnh các vấn đề xoay quanh triệu chứng lâm sàng:

  • Triệu chứng bắt đầu từ khi nào
  • Tần xuất xuất hiện có dày đặc không
  • Các loại thực phẩm bạn đã ăn trước khi triệu chứng xuất hiện
  • Bạn có từng tiếp xúc với các tác nhận dị ứng thường gặp không
  • Tiền sử dị ứng hay hen suyễn của các thành viên trong gia đỉnh

Tiếp đến, một số xét nghiệm có thể sẽ được thực hiện để xác định rõ hơn hiện trạng mà bạn đang gặp phải.

dị ứng
Xét nghiệm máu là liệu pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán các trường hợp dị ứng

Dưới đây là vài xét nghiệm thông dụng:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp này có tác dụng kiểm tra mức độ kháng thể IgE được hệ miễn dịch giải phóng.
  • Thử nghiệm chích da: Dùng một lượng nhỏ chất bị nghi ngờ là gây dị ứng để chức vào da. Sau đó bắt đầu quan sát, nếu có dị ứng thì da sẽ có biểu hiện đỏ, ngứa và sưng.
  • Test áp bì: Còn được gọi là xét nghiệm dị ứng bằng một miếng dán. Dùng một tấm dán có chứa một lượng nhỏ chất nghi ngờ gây dị ứng để dán vào vùng da lành. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra phản ứng trên da sau khoảng 48 – 96 giờ.

Một số phương pháp điều trị bệnh dị ứng được áp dụng phổ biến

Khi gặp phải tình trạng dị ứng, điều đầu tiên bạn cần làm là tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Tùy thuộc vào các loại dị ứng hay mức độ nặng nhẹ của triệu chứng mà bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

1. Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc mặc dù không chữa dứt điểm được dị ứng nhưng lại có thể giúp điều trị triệu chứng của bệnh. Phần đa các loại thuốc chữa dị ứng đều thuộc nhóm thuốc không kê đơn. Trước khi sử dụng bất cứ thuốc nào được đề cập dưới đây, bạn hãy chắc chắn rằng mình đã nhận được chỉ định từ bác sĩ.

+ Thuốc kháng Histamine:

Loại thuốc này được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như đường uống, dạng xịt, nhỏ mũi, nhỏ mắt… Tuy nhiên, các thuốc đường uống thường được sử dụng phổ biến hơn cả.

Khi bạn bị dị ứng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng Histamine dạng viên và hỗn dịch uống như:

  • Desloratadin
  • Loratadin
  • Cetirizin

Nhóm thuốc kháng Histamine có tác dụng tốt trong điều trị các triệu chứng như phát ban, mề đay, chảy nước mũi… Tuy nhiên, nó có thể gây ra các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Điển hình như buồn ngủ, khô miệng, chảy nước mắt, đau đầu…

+ Nhóm thuốc Corticoid:

Thuốc này có thể bao gồm một số dạng như nhỏ mắt, xịt mũi, đường uống, kem bôi da… Các thuốc Corticoid được bào chế ở dạng xịt mũi thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Nó có thể gây kích ứng mũi, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đôi khi còn xuất hiện tình trạng chảy máu cam.

điều trị dị ứng
Sử dụng thuốc là phương pháp thông dụng giúp khắc phục nhanh triệu chứng dị ứng

Còn thuốc Corticoid ở dạng kem bôi thường được dùng tại chỗ, giúp làm giảm các triệu chứng như ngứa, đau, sưng hay đỏ da. Một số loại kem bôi được dùng phổ biến như:

  • Triamcinolon
  • Flucina
  • Hydrocortison

Các loại kem bôi da có chứa Corticoid có thể gây kích ứng da trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, nếu dùng trong thời gian dài sẽ gây mỏng và teo da.

+ Thuốc chống xung huyết:

Loại thuốc này có tác dụng làm co các mạch máu. Từ đó, có thể làm giảm các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi do dị ứng gây nên. Sau đây là một số thuốc thuộc nhóm này được dùng phổ biến:

  • Oxymetazolin
  • Phenylephrine
  • Pseudoephedrin
  • Naphazolin
  • Tetrahydrozolin

Thuốc chống xung huyết cóa thể gây ra một số tác dụng phụ như căng thẳng thần kinh, tăng huyết áp, mất ngủ… Không dùng thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai hay cho bé bú, người mắc bệnh cao huyết áp, u xơ tuyến tiền liệt, bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường…

**Lưu ý: Tất cả các loại thuốc điều trị dị ứng đều phải được dùng đúng theo chỉ dẫn y khoa. Bạn không nên tự ý mua thuốc về dùng hay tăng giảm liều. Khi thấy liều dùng mà bác sĩ chỉ định không đáp ứng triệu chứng hãy chủ động chia sẻ để bác sĩ điều chỉnh cho phù hợp.

2. Liệu pháp miễn dịch

Thường được chỉ định khi việc dùng thuốc không thể đáp ứng triệu chứng khiến cho các biểu hiện nặng nề thêm. Loại trị liệu này sẽ giúp phục hồi hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm chất gây dị ứng vào cơ thể với liều tăng dần trong một khoảng thời gian dài. Lâu dần, cơ thể sẽ không còn phản ứng thái quá với chất gây dị ứng nữa. Nếu liệu pháp miễn dịch được thực hiện thành công thì có thể ngăn ngừa sự quay trở lại của các triệu chứng gây dị ứng.

3. Điều trị sốc phản vệ

Khi có phản ứng phản vệ diễn ra, cơ thể bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm. Lúc này, cần tiêm Adrenaline vào cơ bắp để khắc phục các triệu chứng.

Chữa dị ứng
Trường hợp sốc phản vệ xảy ra, bạn cần được tiêm Adrenaline ngay lập tức

Thuốc tiêm Adrenaline có thể sử dụng chung với thuốc kháng Histamine và Steroid. Khi triệu chứng đã được kiểm soát, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh ở lại bệnh viện để theo dõi trong khoảng 24 giờ để dự phòng trường hợp sốc phản vệ hai pha.

Cách phòng ngừa bệnh dị ứng

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể giúp ngăn ngừa được dị ứng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ phát sinh dị ứng bằng cách tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

  • Nếu có cơ địa nhạy cảm, bạn cần tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Có thể tìm gặp bác sĩ để được hướng dẫn về việc thực hiện chế độ ăn loại trừ.
  • Nên tắm rửa cho thú nuôi thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với chúng nếu bạn từng bị dị ứng với lông động vật.
  • Vệ sinh nhà cửa và không gian sống thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn. Bởi mạt bụi chính là nguyên nhân khá phổ biến khiến nhiều người bị dị ứng.
  • Khi ra ngoài, bạn nên đeo khẩu trang, mặc quần áo kín. Nhất là thời điểm trong môi trường có nhiều phấn hoa.

Dị ứng là một trong những hiện trạng bệnh lý phức tạp, có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề nghiêm trọng nếu không sớm phát hiện và khắc phục. Khi cơ thể có những triệu chứng bất thường, hãy nhanh chóng tìm đến sự chăm sóc y tế.

Đánh giá bài viết

Cập nhật lúc 10:10 - 03/10/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Messenger

Tin mới

Dị Ứng Thời Tiết – Nguyên Nhân Và Cách Xử Trí An Toàn, Hiệu Quả

Chuyên Gia Chỉ Cách Giải Quyết Triệu Chứng Dị Ứng Thời Tiết An Toàn, Không Tái Lại

10 nguyên nhân gây dị ứng da bạn có biết

Chữa dị ứng thời tiết bằng lá lốt bạn đã biết

Chuyên gia trả lời những câu hỏi thường gặp về bệnh dị ứng thời tiết, dị ứng cơ địa

Bài thuốc nam đặc trị dị ứng, nổi mề đay của nhà thuốc Đỗ Minh Đường có hiệu quả không? Chi phí bao nhiêu?  

Phân biệt dị ứng thời tiết, dị ứng cơ địa và cách chữa dứt điểm bằng bài thuốc nam cổ truyền

Tìm lại “cuộc đời mới” nhờ trị dứt điểm bệnh dị ứng, nổi mề đay 

Nhà thuốc Đỗ Minh Đường có chữa khỏi dị ứng, nổi mề đay không?

Dị ứng băng vệ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục

Ẩn